Thời Đường Túc Tông Nguyên_Tái

Năm 755, An Lộc Sơn làm phản ở Phạm Dương [5]) đặt quốc hiệu là Ngụy Yên. Đế quốc Đại Đường nhanh chóng bị Ngụy Yên uy hiếp, chìm vào cảnh chiến tranh đầu rơi máu chảy. Vì chiến tranh, Nguyên Tái bỏ chạy xuống phía nam đến khu vực Guang Hoài. Lý Hi Ngôn, người nắm giữ trấn Giang Đông bổ nhiệm Nguyên Tái làm tướng dưới quyền của mình và sau đó trao cho ông chức thứ sử Hồng châu [6]). Khi Đường Túc Tông (nối ngôi Đường Minh Hoàng năm 756) khôi phục lưỡng kinh, Nguyên Tái được triệu về triều và được bố trí công việc ở bộ Hộ. Khi bệ kiến Túc Tông hoàng đế, ông nhanh chóng khiến nhà vua để ý và không lâu sau được thăng lên thị lang bộ Hộ, Ngự sử trung thừa, đảm trách vấn đề tài chính và thuế má ở vùng Giang - Hoài. Tin rằng Giang Hoài vẫn khá giàu có vì không bị ảnh hưởng của chiến tranh, Nguyên Tái đánh thuế nặng để bổ sung tiền vào ngân khố, có khi lên tới 8, 9 phần 10 tài sản của bá tánh, khiến vùng này rơi vào tình trạng hỗn loạn.[7]

Trong khi đó, Nguyên Tái tìm cách kết thân với hoạn quan đang nắm nhiều quyền lực trong triều khi ấy là Lý Phụ Quốc, thông qua phu nhân (đối thực) của Phụ Quốc là Nguyên thị,[8], Nguyên thị là người trong họ của Nguyên Tái. Năm 762, theo tiến cử của Phụ Quốc, Nguyên Tái được giao nhiệm vụ cai quản những vùng có vị trí quan trọng ở miền tây, lĩnh chức Kinh Triệu doãn. Nguyên Tái gặp Phụ Quốc và tỏ ý không hài lòng với chức vụ như vậy và ngầm ám chỉ là mình cần có những vị trí cao hơn. Ngày hôm sau, khi tể tướng Tiêu Hoa bị bãi, Nguyên Tái liền được bổ nhiệm làm Đồng trung thư môn hạ bình chương sự, nắm quyền thừa tướng trên thực tế. Ông cũng tiếp tục nhận trách nhiệm về vấn đề thuế má.

Liên quan